Ngày 12-5-2011, Ban Chỉ đạo Nhà nước về PGCM biên giới tổ chức Lễ tổng kết công tác phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Nhân dịp này, xin tóm tắt và giới thiệu cùng bạn đọc một số tư liệu trong quá trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp ước và quá trình PGCM trên thực địa.
Lễ mừng công hoàn thành công tác phân giới cắm biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Ảnh: Internet
Nhằm giữ gìn và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc; với lòng mong muốn xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định và bền vững mãi mãi giữa hai nước; trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hoà bình; ngày 07/11/1991, Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký “Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới”.
Đây là cơ sở, đồng thời cũng là tiền đề để hai nước tiến tới giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đất liền, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội ở khu vực biên giới, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa hai nước và chủ trương đàm phán giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ.
Theo đó, hai bên đã tổ chức một số vòng đàm phán cấp chuyên viên về biên giới lãnh thổ (vòng I từ 12-17/10/1992 và vòng II từ 15-18/2/1993). Đây là những vòng đàm phán quan trọng làm tiền đề để Lãnh đạo Cấp cao hai nước ký kết “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa” vào ngày 19/10/1993, một văn bản quan trọng làm cơ sở tiến hành đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc những năm về sau.
Đàm phán vòng I cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ diễn ra tại Bắc Kinh (từ 23-30/8/1993), hai Bên đã thống nhất lấy đường biên giới Pháp – Thanh lảm cơ sở để giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước.
Căn cứ những nguyên tắc thoả thuận, trong khoảng thời gian từ đầu năm 1994 đến cuối năm 1999, hai Bên đã tổ chức 16 vòng đàm phán cấp chuyên viên liên hợp về biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Và ngày 30/12/1999 tại Hà Nội, Đại diện toàn quyền hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa”, nhằm xây dựng biên giới Việt Nam – Trung Quốc thành biên giới hoà bình, hữu nghị, tạo cơ sở cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn hoà bình, ổn định khu vực và thế giới.
Việc ký kết Hiệp ước năm 1999 đã đặt nền tảng cho việc xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định lâu dài giữa hai nước, đã ghi nhận kết quả giải quyết 289 khu vực có nhận thức khác nhau và ghi nhận toàn bộ hướng đi của đường biên giới theo hướng từ Tây sang Đông. Đây chính là cơ sở pháp lý để hai Bên tiến hành công tác PGCM trên thực địa.
Ngay sau khi Hiệp ước được ký kết, hai Bên đã thành lập Uỷ ban liên hợp PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Uỷ ban liên hợp đã thoả thuận chia đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc thành 12 đoạn; tổ chức 12 Nhóm PGCM liên hợp, đồng thời giao cho các Nhóm liên hợp trách nhiệm tiến hành công tác PGCM trên thực địa.
Về phía Việt Nam để chỉ đạo toàn bộ hoạt động công tác PGCM, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, một Lãnh đạo Bộ Ngoại giao làm Uỷ viên Thường trực và thành viên gồm Lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương liên quan; Tại mỗi tỉnh biên giới Việt – Trung đều thành lập Ban Chỉ đạo PGCM tỉnh do một Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban; Vụ Biên giới Việt – Trung thuộc Uỷ ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp điều phối thực hiện công tác PGCM.
Từ năm 2000 đến 2002, hai bên đã tổ chức các vòng đàm phán và thống nhất thoả thuận 12 văn bản pháp lý – kỹ thuật làm cơ sở tiến hành công tác PGCM trên thực địa. Tháng 12/2001, hai bên đã chính thức khởi động công tác PGCM bằng việc cắm cột mốc đầu tiên tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng ( mốc 1369, mốc đại có gắn Quốc huy). Và, tháng 10/2002, công tác PGCM trên toàn tuyến biên giới Viêt Nam – Trung Quốc đã được hai bên triển khai đồng loạt ở tất cả 12 Nhóm PGCM liên hợp.
Để đảm bảo tiến độ PGCM, căn cứ kết quả công tác, ở mỗi thời điểm khác nhau hai bên đã có sự điều chỉnh biện pháp chỉ đạo công tác cho phù hợp: Trong các năm 2002 – 2003, hai bên đã thoả thuận tiến hành công tác PGCM theo hình thức “Cuốn chiếu” từ Tây sang Đông, có nghĩa là làm đến đâu dứt điểm đến đó (nhưng khi áp dụng hình thức này, hai bên đã có nhận thức khác nhau về cách thức triển khai công tác nên kết quả PGCM rất hạn chế, trong 2 năm chỉ cắm được 89 cột mốc).
Để đẩy nhanh tiến độ công tác, bước sang năm 2004 hai bên đã thoả thuận PGCM theo phương châm “Dễ trước khó sau” nên kết quả công tác có khá hơn (đến hết năm 2006 hai bên đã xác định được gần 70% vị trí mốc).
Tuy nhiên, từ năm 2007-2008 công tác PGCM lại gặp phải sự bế tắc do tồn tại nhiều khu vực tồn đọng. Trước tình hình trên, Vụ Biên giới Việt – Trung đã chủ trì xây dựng Đề án đàm phán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức 8 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Uỷ ban liên hợp PGCM (từ vòng 24 đến vòng 30b); phối hợp chuẩn bị nội dung tổ chức 4 cuộc gặp đặc biệt giữa hai Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ đàm phàn về biên giới lãnh thổ và chỉ đạo triển khai thực hiện tốt kết quả các cuộc gặp.
Ngày 31/12/2008, hai bên đã giải quyết dứt điểm toàn bộ các vấn đề tồn tại và hai Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ đàm phàn về biên giới lãnh thổ đã ra tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác PGCM trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc đúng thời hạn như Lãnh đạo Cấp cao hai nước đã thoả thuận. Và ngày 23/02/2009, tại cửa khẩu Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan, Chính phủ hai nước đã long trọng tổ chức Lễ mừng công hoàn thành công tác PGCM biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc.
Trên thực địa, hai bên đã phân giới xong toàn bộ 1449,566km đường biên giới (trong đó có 1065,652km đường biên giới trên bộ và 383,914km đường biên giới đi theo sông suối); cắm 1971 mốc giới, kể cả mốc ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào, trong đó có 1628 mốc đơn, 232 mốc đôi cùng số và 111 mốc ba cùng số. Hai bên cũng thoả thuận: Đối với các mốc đơn (mốc chính) thì phía Việt Nam cắm các mốc có số hiệu chẵn, phía Trung Quốc cắm các mốc có số hiệu lẻ; đối với các mốc phụ đơn thì về nguyên tắc, phía Việt Nam cắm các mốc có mẫu số là số chẵn, phía Trung Quốc cắm các mốc có mẫu số là số lẻ (tuy nhiên, các mốc phụ số 50/1, 137/1, 353/1 lại do phía Việt Nam cắm theo một thoả thuận riêng).
Đối với các mốc đôi cùng số và mốc ba cùng số thì mốc nằm trong lãnh thổ nước nào thì do nước đó cắm. Riêng cột mốc ngã ba biên giới do cả ba nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc cùng cắm (cột mốc này được điều chỉnh, ghi nhận bằng một Hiệp ước riêng). Hệ thống mốc giới này được xác định theo phương pháp hiện đại, đảm bảo tính trung thực, khách quan và bền vững lâu dài; được đánh dấu, ghi nhận và mô tả một cách khoa học, chi tiết và phù hợp với địa hình thực tế. Đường biên giới được xác lập trên thực địa cơ bản đúng với đường biên giới mô tả trong Hiệp ước 1999.
Việc hoàn thành công tác PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã góp phần giải quyết ổn thoả vấn đề biên giới, xây dựng đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, tạo điều kiện cho ổn định đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, giao lưu văn hoá, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và quan hệ 4 tốt.
Sau khi hoàn thành toàn bộ công tác PGCM trên thực địa, hai bên tiếp tục tổ chức nhiều vòng đàm phán. Tháng 10/2009, hai bên đã đã thống nhất và ký tắt xác nhận nội dung 3 văn kiện quan trọng trong lĩnh vực biên giới lãnh thổ là: Nghị định thư PGCM biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và các Phụ lục đính kèm Nghị định thư; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và các Phụ lục đính kèm Hiệp định này; Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Phụ lục dính kèm Hiệp định này.
Ngày 18/11/2009, Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã ký kết 3 văn kiện nói trên. Đây chính là cột mốc đánh dấu việc hoàn thành công tác PGCM; đồng thời cũng là dấu mốc kết thúc toàn bộ quá trình giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung.
Hà Bình Minh