Đó là lời của Trần Hưng Đạo đúc kết về nguyên nhân của chiến công lịch sử làm cho giặc Nguyên ba lần thảm bại trong thế kỷ XIII.
Phải luôn luôn làm sống động những lời tâm huyết
của Trần Hưng Đạo trong Hịch Tướng sĩ
Ảnh: T.L
“Tháng Tám giỗ cha…”, trong tâm thức người Việt tự bao đời thì ngày Giỗ Đức Thánh Trần 20 tháng Tám âm lịch có ý nghĩa thiêng liêng vào bậc nhất để tri ân vị anh hùng “bảo dân hộ quốc” trong lịch sử dân tộc.
Nếu “văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội” thì lịch sử dân tộc có sức lay động mãnh liệt tình cảm của con người Việt Nam mọi thời đại lại có ý nghĩa hết sức quyết định đến nền tảng tinh thần ấy.
Đúng vào “tháng Tám giỗ Cha” thật xúc động nhắc lại chiến công hiển hách đánh tan đế quốc Nguyên-Mông hung hãn mà vó ngựa xâm lăng đã xéo nát nhiều vùng lãnh thổ từ Á sang Âu để rồi chỉ chịu gục ngã trên chiến trường Việt Nam. Chiến công ấy gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của Trần Hưng Đạo – vị tướng duy nhất trong lịch sử dân tộc được nhân dân phong Thánh : “Đức Thánh Trần”!
Quả thật, đúng như Trương Hán Siêu viết trong “Bạch Đằng giang phú” :
Đến nay sông nước tuy chảy hoài,
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi.
Rồi chỉ một câu trong bài phú đã khắc họa được bản lĩnh và tài thao lược của vị Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân:
Khi trận Bạch Đằng mà đại thắng,
Bởi đại vương coi thế giặc nhàn. *Tiếng thơm còn mãi…
Những âm vang lịch sử quả là có sức lay động tâm hồn mỗi người Việt Nam có lương tri hôm nay :
“Sông Đằng một dải dài ghê,
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông.
Những phường bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!”
Thời nào mà chẳng có “phường bất nghĩa”, thời nào chẳng có ” anh hùng”! Và rồi, ai sẽ được “lưu danh” và kẻ nào sẽ bị “tiêu vong” thì lịch sử rõ mồn một. Chính vì thế mà phải thường xuyên làm sống động lịch sử trong tâm hồn thế hệ trẻ để dòng máu anh hùng cuộn chảy trong huyết quản mọi thế hệ Việt Nam. Đừng quên rằng, “thái độ của giới trẻ với lịch sử là thước đo sự tín nhiệm chính trị với chế độ” như phát biểu của F.Mitterand, vị Tổng thống Pháp đã từng thăm Việt Nam và đến tận Điện Biên Phủ dạo nào. Bởi lẽ, lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được.
Hơn lúc nào hết phải làm sống động những lời tâm huyết của Trần Hưng Đạo trong “Hịch tướng sĩ”: “Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu nhương, gặp phải buổi gian nan này, trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tổ-phụ,… Trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm… thì còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa ”.
Sẽ không hiểu rõ được tại sao quân dân đời Trần có thể ba lần đánh tan những đạo quân xâm lược hung bạo, muốn lấy thịt đè người, nếu không hiểu được cội nguồn của thắng lợi kỳ diệu là tinh thần dân tộc được khởi động và dâng cao để do đó mà “vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức”.
Nếu “trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm” thì làm sao người người đủ dũng khí khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát”? Trên cánh tay khắc hai chữ đó vì trong đầu đã hằn sâu một sự thật lịch sử : “Bởi giặc Nguyên cùng ta, là kẻ thù không đội trời chung”. Nếu “cứ điềm nhiên không nghĩ đến việc báo thù… khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ địch, giơ tay không mà chịu thua quân giặc”.
Thiên tài quân sự của vị Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân có ý nghĩa cực kỳ lớn lao, song thiên tài ấy chỉ có thể phát huy khi dưới trướng của Ngài là những “tướng sĩ một lòng phụ tử”. Nói về họ, những danh tướng như Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão… thì đã quá rõ, lịch sử còn đặc biệt nhắc lại lời Hưng Đạo nói về các gia thần dũng mãnh và trung thành của mình như Yết Kiêu, Dã Tượng : “chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi ”. Và dưới trướng của Hưng Đạo Đại Vương không chỉ có Yết Kiêu, Dã Tượng mà còn có nhiều võ tướng khác nữa.
Lịch sử cũng ghi tên những văn thần như Đỗ Khắc Chung, nêu cao khí phách trong trại giặc. Khi Ô Mã Nhi ngạo ngược quát nạt : “Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ Sát Thát, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”. Khắc Chung dõng dạc đáp : “Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có”. Nói rồi giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi phải thốt lên với tả hữu rằng “người này… có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa thể mưu tính được”.Và rồi nhớ ra, sai người đuổi theo giết, nhưng không kịp.
Khi kẻ thù nhận ra được “nước nó còn có người giỏi, chưa thể mưu tính được” cũng là lúc chúng hiểu ra rằng “những người giỏi” mà ông cha ta gọi là “nguyên khí quốc gia” ấy đã được quy tụ, phát huy để rồi từ họ mà khởi động được ý chí và sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, khiến cho “cả nước góp sức”. Khi đã có điều đó rồi thì : “Nếu thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”. Đó là lời Trần Hưng Đạo trả lời vua Trần Anh Tông lo lắng hỏi về kế sách giữ nước..
Nếu nhìn suốt những bước thăng trầm của lịch sử đất nước ta luôn nằm trong vị thế địa-chính trị “trứng chọi đá” thì những lời căn dặn ấy là sự đúc kết về quy luật giữ nước của ông cha ta. Kể từ thời Khúc Hạo [năm 907-917] với cương lĩnh dựng nước “Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui” trải qua các chặng đường giữ nước “từ Đinh, Lê, Lý,Trần gây nền độc lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương” đều như vậy.
Đừng quên rằng, để có chiến thắng lẫy lừng : “Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội; thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh. Mã Kỳ, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực. Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi. Nó đã sợ chết cầu hòa, ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi” thì cũng đã có lúc ” Linh Sơn lương hết mấy tuần; khi Khôi huyện quân không một lữ”. Đừng quên trước đó đã từng có 63 cuộc khởi nghĩa bị giặc dìm trong bể máu, chỉ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi với hội thề Lũng Nhai mới hình thành nên cuộc kháng chiến trường kỳ để rồi “Mở tiệc quân chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phụ tử. Thế giặc mạnh, ta yếu mà ta địch nổi; quân giặc nhiều, ta ít mà ta được luôn”. Có được chuyện đó vì người lãnh đạo cuộc kháng chiến mười năm đã biết dựa vào lực lượng bất tận của dân, khởi động và phát huy sức mạnh cố kết dân tộc để tạo nên được “phụ tử chi binh nhất tâm” [Bình Ngô đại cáo].
Mệnh đề hàm súc này đã là bài học lịch sử được đúc kết. Từ chiến công hiển hách đời Trần thế kỷ XIII, đến cuộc kháng chiến mười năm thế kỷ XV, rồi chiến công thần tốc thế kỷ XVIII cũng khởi nguồn từ đó. Phải chăng đây là bước bứt phá trong sự vận động tự thân của sức sống dân tộc, đưa đến những hợp trội kỳ diệu trong dòng chảy của lịch sử.
Thời đoạn lịch sử thời vua Lê, chúa Trịnh báo hiệu sự khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến. Việt Nam Sử lược chép về thời Lê Chiêu Thống như sau : “Người bấy giờ bàn riêng với nhau rằng : “Nước Nam ta từ khi có đế vương đến giờ, không thấy vua nào hèn hạ đến thế. Tiếng là làm vua mà phải theo niên hiệu vua Tàu, việc gì cũng phải bẩm đến quan Tổng đốc, thế thì có khác gì là đã nội thuộc rồi không?”. Đã vậy thì những “thần dân” của vua đã biết cách hưởng ứng lời kêu gọi của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đứng lên đánh giặc cứu nước là điều dễ hiểu. Sử chép : Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân [26 tháng 12 năm 1788], dừng chân ở Nghệ An hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng, nâng quân số lên tới 10 vạn ! Thử hỏi không có sức dân ấy, không có lòng dân theo về, thì làm sao có được chiến thắng thần tốc ấy!
Nguyễn Huệ “nâng quân số lên tới 10 vạn” chính là nhờ có những người “chân đất” đã biết theo mệnh lệnh của trái tim có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ. Và thiên tài chính là biết phát hiện, khơi dậy và phát huy được sức mạnh vô tận của khối nhân dân vĩ đaị.
Sự thật lịch sử có lúc mờ lúc tỏ, song dòng chảy lịch sử là bất tận. Dòng cuộn chảy ấy tạo nên sức mạnh bất diệt của một dân tộc, đã từng làm nên những “Trận chiến Lịch Sử /Đã phá tung mọi xiềng xích ? như hai câu thơ lay động lòng người của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Thế hệ trẻ Việt Nam phải được tắm mình vào trong dòng chảy ấy để tự hào về ông cha mình bao đời kiên cường, bất khuất dựng nước, mở nước và giữ nước và trao lại cho thế hệ hôm nay.
GS. TƯƠNG LAI
_______________
* Khi quân Nguyên tràn sang lần thứ ba, Trần Hưng Đạo đã trấn an vua “Chuyến này dù quân Nguyên có sang đây, ta phá cũng dễ hơn phen trước, xin bệ hạ đừng lo”