(Sự kiện – Nhân chứng) – GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, trong loạt bài đăng trên báo Đại Đoàn kết, đã bác bỏ những “chứng cứ” được Trung Quốc viện dẫn để “chứng minh” chủ quyền của họ từ cách đây 2000 năm trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vkyno xin giới thiệu với bạn đọc.
Bài 1: Quận Nhật Nam thời Tây Hán và những trích dẫn vu vơ
Trung Quốc đã lẳng lặng chuẩn bị cho công cuộc độc chiếm Biển Đông từ lâu, khi họ tiến hành hành động trên thực tế, thì họ đã tung ra rất nhiều thứ đã chuẩn bị. Trong đó có việc nghiên cứu những cơ sở khoa học và pháp lý cho việc khẳng định chủ quyền của họ trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa).
Những “chứng cứ” từ hơn 2000 năm trước
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Cái mà họ lẳng lặng chuẩn bị là như thế nào? Tôi được biết là trường Đại học Hạ Môn đã được giao nhiệm vụ này. Có một giáo sư tên là Hàn Chấn Hoa, tập hợp một lực lượng khá đông, được cấp kinh phí khá lớn, có nhiệm vụ tìm quét tất cả các tư liệu có lợi cho họ hoặc tìm cách diễn giải có lợi cho họ. Tất cả những tập hợp, phân tích, giải thích được thể hiện cho một cuốn sách được tái bản đi tái bản lại nhiều lần là: Ngã quốc nam hải chư đảo sử liệu hối biên (Tập hợp các sử liệu về các đảo ở vùng biển phía nam). Có thể coi đấy là một cuốn sách, cho đến nay, chưa có một tập hợp nào lớn hơn thế, đầy đủ hơn thế. Sở dĩ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cứ nói “chúng tôi có đầy đủ chứng cớ xác đáng về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa” là đều căn cứ từ cuốn sách của GS Hàn Chấn Hoa này.
Họ chuẩn bị rất kỹ từ lâu rồi, nhưng trong cuộc họp báo quốc tế gần đây họ mới bắt đầu đưa ra lập luận: Chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có từ thời Tây Hán, tức là từ trước Công nguyên. Vì sao? Thì họ đưa ra một sự kiện lịch sử: Năm 111 trước Công nguyên, tức là cách đây hơn 2000 năm, quân nhà Hán có tràn xuống phương Nam đánh tan quân họ Triệu. Nhà Triệu lúc đó chỉ đóng ở phía Bắc từ đèo Ngang trở ra, nhưng khi thắng nhà Triệu quân nhà Hán đã vượt qua đèo Ngang tiến sâu vào Bắc Trung bộ, lập ra một quận tên là Nhật Nam thuộc nhà Hán (tương đương với vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi bây giờ). Như vậy căn cứ vào đó họ nói xuôi ngược cả vùng biển xung quanh đó của quận Nhật Nam thuộc nhà Hán, tồn tại trong một thời gian khoảng 3 thế kỷ, từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 192 sau Công nguyên. Họ cho rằng trong 300 năm vùng đất và vùng biển ấy là của họ, nên họ rêu rao 2 quần đảo đó là của họ, họ lấy lại thôi.
Đến thời Đông Hán (sau Công nguyên), cuốn sách sớm nhất nhất được các học giả Trung Quốc dẫn ra làm căn cứ về “chủ quyền” của Trung Quốc trên hai quần đảo là Dị vật chí (ghi chép về những vật lạ) của Dương Phù. Như tên gọi cuốn Dị vật chí chỉ ghi lại những chuyện lạ, nghe thấy, nghe đồn, nghe kể…Trong đó có những câu được nhóm nghiên cứu của Hàn Chấn Hoa dẫn ra: “Trướng hải kỳ đầu thủy thiển nhi đa từ thạch…” (có nghĩa là: Biển sóng triều dâng gập ghềnh đá ngầm, nước cạn mà nhiều đá nam châm…). Nhưng giới nghiên cứu Trung Quốc lại giải thích rằng “Trướng hải” là tên gọi Biển Đông của người Trung Quốc thời đó và vùng đá ngầm dưới có từ tính nam châm là chỉ hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Tài liệu này được dẫn lại ở rất nhiều nơi, đăng trên cả trang thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc với lập luận hai quần đảo này do người dân Trung Quốc phát hiện và đặt tên sớm nhất (từ thời Đông Hán).
Để củng cố thêm cho lập luận này, Hàn Chấn Hoa và các tác giả sách Ngã quốc nam hải chư đảo sử liệu hối biên còn trích ra nhiều câu khác trong sách cổ thời Tam quốc, thời Tùy, thời Đường như Phù Nam truyện của Khang Thái, Ngô lục của Trương Bột, Nhĩ nhã của Quách Phác… nói việc người thời ấy đã viết trong Trướng hải (tên Biển Đông theo cách gọi của người Trung Quốc) có san hô, có đồi mồi, có ốc lớn bằng cái đấu, vỏ có thể dùng để uống rượu…để suy diễn xa hơn rằng trong sách của mình, Quách Phác đã chú thích vùng biển nói tới ở đây là vùng biển thuộc quận Nhật Nam (vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi), rằng người Trung Quốc thời ấy đã biết đến hai quần đảo.
Về lịch sử từ năm 960 – thời kỳ nhà Tống thống nhất toàn cõi Trung Hoa, nhóm Hàn Chấn Hoa đưa ra những câu trích có nhắc đến hai quần đảo Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Ðường và bảo đó là những tên gọi khác về Tây Sa và Nam Sa của người Trung Quốc. Hai quần đảo này xuất hiện trong các hải trình, được mô tả trong các sách của tác giả Trung Quốc, nhưng nói về nước ngoài, hoặc liên quan đến nước ngoài (không phải Trung Quốc) như Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi, Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát…
Chủ quan, lắp ghép, cắt xén, vu vơ
Bây giờ tôi sẽ phân tích từng thứ mà Trung Quốc gọi là “chứng cứ” ở trên để thấy chúng hoàn toàn không có giá trị gì về việc thực thi chủ quyền.
Thứ nhất, về thời xa nhất là quận Nhật Nam thời Tây Hán mà nhà Hán đã lập lên khi xâm chiếm vùng đất ấy trong vòng 300 năm. Nếu dựa vào đó mà kết luận chủ quyền thì hết sức “bậy” ở chỗ: Thế ngày xưa đất nước Trung Hoa bị quân Mông Cổ chiếm, thì bây giờ đem cả đất Trung Quốc đi trả cho Mông Cổ à? Nhà Nguyên cai trị Trung Hoa hàng trăm năm, suốt một thời gian dài như thế, bây giờ không lẽ nước CHND Mông Cổ cũng đòi phải xác lập chủ quyền. Chưa kể về mặt Công ước quốc tế thì rất sai: Nếu nhà Hán chiếm vùng đất ấy một mạch từ năm 111 trước công nguyên đến nay thì đã đành. Đây đến năm 192 sau Công nguyên đã phải bỏ chạy rồi, người ta đã giành lại độc lập rồi, vậy mà 2000 năm sau lại nhắc lại cái việc đã dùng vũ lực xâm chiếm được một thời gian để bảo là chủ quyền thì hết sức vớ vẩn. Làm gì có việc thực thi chủ quyền liên tục, cho dù đã từng cai trị khoảng 300 năm nhưng sau đó bị đánh đuổi, và 2000 năm nay có bén mảng tới đó đâu, cho nên chữ liên tục không có. Vì thế việc nói Trung Quốc có chủ quyền đối với 2 quần đảo từ thời Tây Hán là nói vu vơ. Lý lẽ này hoàn toàn có thể bác bỏ.
Thứ hai, là về những câu trích dẫn trong sách Dị vật chí và nhiều sách khác từ thời Đông Hán trở đi. Thực ra đó chỉ là những ghi chép về các hiện tượng mà các tác giả đương thời cho là hay, là lạ (dị vật), chứ hoàn toàn không có ý nghĩa gì về việc phát hiện, đặt tên đảo nên không thể coi là chứng lý về chủ quyền và càng không phải là bằng chứng của việc chính quyền thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này. Các sách này chỉ chứng tỏ “chúng tôi đã trông thấy, chúng tôi đã nghe…” dẫn lại chuyện ai đó trông thấy, hoặc sách của Trung Quốc đã chép ở chỗ nọ chỗ kia… chứ chưa có một dòng nào, chữ nào nói về việc thực thi chủ quyền. Bản thân chữ “Dị vật” đã là đồ lạ, hay “Lĩnh ngoại” là ngoài biên giới Trung Quốc, “Chư phiên” là các nước mà Trung Quốc coi là chư hầu, đã không phải là những cuốn sách có tính chính danh. Do vậy, những mô tả về biển đảo hoặc hải trình đi tới các nước các nước như Giao Chỉ, Chiêm Thành, Chân Lạp thì tên các quần đảo Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Ðường (mà Trung Quốc cho là Tây Sa và Nam Sa) được nhắc đến để chỉ vị trí hoàn toàn không có ý nghĩa nào trong việc xác định chủ quyền của Trung Quốc. Đấy là chưa kể từ ngữ dùng trong các sách này cho thấy tác giả cũng chỉ nghe truyền lại, chứ không biết đích xác ra sao. Có thể dẫn ra đây một vài đoạn trích mô tả vị thế xung quanh đảo Hải Nam mà Hàn Chấn Hoa sử dụng để khẳng định sách Chư phiên chí nói 2 quần đảo này là của Trung Quốc: “Nam đối diện với Chiêm Thành, phía tây nhìn sang Chân Lạp, đông thì Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Ðường, xa xôi không bờ, trời nước một màu.” Hay một đoạn trích khác: “Nghe truyền rằng biển lớn phía đông có Trường Sa Thạch Ðường rộng vạn dặm, nước thủy triều thi triển đẩy vào chốn cửu u.”
Nhiều học giả trong và ngoài nước đã có những phân tích xác đáng và đều nhận định khá thống nhất rằng kiểu cách tập hợp, trích dẫn và giải thích sử liệu của nhóm Hàn Chấn Hoa không theo các nguyên tắc khoa học mà có dụng ý chủ quan, cắt xén, lắp ghép tùy tiện và giải thích gượng ép. Có thể nói luận lý của các học giả Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo có từ thời Đông Hán là phi lý, phản khoa học.
GS.TS Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội đã bác bỏ những “chứng cứ” được Trung Quốc viện dẫn trong cuốn sách “Ngã quốc nam hải chư đảo sử liệu hối biên” để “chứng minh” chủ quyền của họ từ cách đây 2000 năm. Tiếp theo là những phân tích của ông tập trung vào những “chứng cứ” và lý luận chính của các học giả Trung Quốc đưa ra trong thế kỷ 20 – thời điểm mà “Giấc mộng Trung Hoa” đã vẽ lên một đường lưỡi bò cực kỳ phi lý.
Bài 2: “Trung Hoa mộng” vẽ lên đường lưỡi bò
Bắt đầu từ khi chính quyền Tưởng Giới Thạch sắp thua ở Trung Quốc Đại lục, khoảng năm 1947-1948 chính quyền Trung Hoa Dân Quốc đã rất chú ý đến việc tập hợp, in ấn tư liệu chuẩn bị cho giấc mộng bành trướng. Có thể nói thời điểm họ bắt đầu có ý thức, có thể hiện ảnh hưởng của họ xuống phía Nam là tháng 2 năm 1948, Trung Hoa Dân Quốc cho xuất bản một bộ bản đồ có tên là Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải. Đấy là bộ bản đồ đầu tiên xuất hiện đường lưỡi bò.
Vậy đường lưỡi bò này ở đâu ra?
Bản đồ do J. L. Taberd vẽ năm 1838, trên đó chú thích rõ quần đảo ở vị trí Hoàng Sa là “Paracel seu Cát Vàng ” (Paracel hay Cát Vàng). Phần chú thích đã được khoanh tròn.
Bây giờ cũng không biết cái đường lưỡi bò ấy có từ bao giờ, nhưng nhìn vào bản đồ có in đường lưỡi bò vẽ tay ấy thì người ta tính niên đại nó không thể sớm hơn 1920. Bản đồ vẽ tay này không có tác giả, do một ai đó vẽ vu vơ. Khi họ tìm thấy bản vẽ tay này trong kho bản đồ, giở ra thấy có đường lưỡi bò thỏa mãn tâm lý bành trướng của họ, nên họ cho in thành bản đồ chính thức vào năm 1948 – một niên đại rất muộn so với những bản đồ của Việt Nam, của phương Tây mà Hoàng Sa đã xuất hiện với tên gọi Bãi cát vàng.
Nhân đây để nói thêm, tất cả các bản đồ trước năm 1948 của Trung Quốc, không có bộ bản đồ nào, kể cả của người nước ngoài vẽ lẫn của Trung Quốc tự vẽ lại có Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa) và Hoàng Sa (mà họ gọi là Tam Sa) xuất hiện với tư cách là địa dư của Trung Quốc cả, mà đều khẳng định đến Hải Nam là hết. Sau bản đồ năm 1948, đường lưỡi bò tiếp tục được đưa vào các bản đồ khác nhưng lưu ý là bản đồ in lần đầu năm 1948 đường lưỡi bò lúc đầu là 11 đoạn chứ không phải 9 đoạn bởi vì người ta vẽ hoàn toàn ngẫu hứng mà. Ai đó vô danh vẽ bằng tay một đường lưỡi bò 11 đoạn, ôm trọn cả Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Đến 1953, CHND Trung Hoa lại in bản đồ đó một lần nữa và thấy quá vô lý thì bỏ 2 đoạn đi thành 9 đoạn nên nó cụt. Có thể nói rằng người Trung Quốc bắt đầu dấy lên tham vọng đối với Hoàng Sa là thời kỳ giải quyết những vấn đề sau chiến tranh Thế giới thứ 2. Chúng ta nhớ chính quyền Tưởng Giới Thạch đứng về phía đồng minh, Hoàng Sa thì đang bị chiếm bởi quân Nhật một thời gian rồi. Khi đó quân Nhật thua rút chạy, quân Tưởng tiếp quản và đề nghị sẽ là bên được giữ Hoàng Sa tại Hội nghị San Francisco năm 1951. Chúng ta nhớ năm 1948 Trung Hoa Dân Quốc vẽ bản đồ lưỡi bò, năm 1951 họ phải chạy ra ngoài đảo Đài Loan rồi, nhưng vẫn là thành viên Liên Hợp Quốc nên vẫn tham gia hoạt động quốc tế. Nhưng tại Hội nghị San Francisco năm 1951 ấy, Thủ tướng Trần Văn Hữu của chính quyền Bảo Đại cực lực phản đối đề nghị của chính quyền Tưởng Giới Thạch và tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kết quả là 48/51 đại biểu tại Hội nghị đã bỏ phiếu đồng ý Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Điều này đã được lưu trong văn kiện rất quan trọng của Hội nghị San Francisco năm 1951 giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Trung Quốc không có cơ hội giành nó về mặt pháp lý.
Trong thế kỷ 20, để chứng minh cho “đường lưỡi bò”, các học giả Trung Quốc viện dẫn lại câu chuyện Đô đốc nhà Thanh là Lý Chuẩn đưa quân ra một hòn đảo ở phương Nam và kéo cờ, bắn pháo vào năm 1909 và coi đó là mốc thời gian xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này. Sự kiện này không có ý nghĩa vì thời điểm diễn ra vào đầu thế kỷ XX, khi mà Việt Nam đã có rất nhiều tư liệu khẳng định chủ quyền và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đó nhiều thế kỷ. Vả lại, chính việc đề cao sự kiện “Lý Chuẩn” này tự nó lại phản bác những lập luận mà các học giả Trung Quốc phải dày công xây dựng tư liệu để “chứng minh” Tây Sa và Nam Sa đã được người Trung Quốc phát hiện và sở hữu từ thời Hán, cách ngày nay tới vài ngàn năm như bài trước chúng ta đã đề cập tới.
Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Ngay sau đó, chính quyền Trung Quốc đã cử một đoàn nghiên cứu lịch sử, khảo cổ trong đó có GS. Hàn Chấn Hoa ra khảo sát một số đảo. Trong công trình do mình chủ biên, ông Hàn Chấn Hoa đã đề cập tới ngôi chùa có tên Hoàng Sa tự trên đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm theo tên của Việt Nam). Họ mừng rỡ vì tên chùa và các câu đối viết bằng chữ Hán, nên cho đó là do người Trung Quốc xây chùa. Nhưng dựa vào những ghi chép trong bộ Đại Nam thực lục chính biên, có thể biết ngôi chùa này đã được Vua Minh Mệnh ra lệnh xây theo đề nghị của Bộ Công và tỉnh Quảng Ngãi. Người được giao phụ trách công việc này là cai đội Phạm Văn Nguyên. Lính và dân phu hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi đã chuyên chở vật liệu từ đất liền ra xây.
Sau năm 1974, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh việc tuyên truyền, các biện pháp ngoại giao và gia tăng sức ép quân sự để đơn phương khẳng định chủ quyền của mình không chỉ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn với cả phần lớn Biển Đông thông qua yêu sách đường 9 đoạn. Trong khi đó thì tới tận cuối thế kỷ 19, vẫn còn những văn bản lưu giữ cho thấy, khi có tàu bè đi qua vùng Biển Đông, bị đắm hoặc bị cướp bóc, các thuyền trưởng nước ngoài đến gặp các quan chức ở đảo Hải Nam nhờ giúp đỡ hoặc xác nhận để mang về báo cáo với chủ hàng đã bị từ chối thẳng thừng vì cho rằng đó không thuộc phạm vi địa lý của họ. Ví dụ, trong khoảng thời gian hai năm 1895 – 1896 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa liên tục xảy ra hai vụ đắm tàu. Một của Đức, con tàu mang tên Bellona và một của Nhật, tàu Imegi Maru. Cả hai tàu này đều mua bảo hiểm của Anh nên khi nghe tin dân Trung Quốc thừa cơ tàu bị nạn đã ra cướp bóc, công ty bảo hiểm và đại diện Chính phủ Anh ở Trung Quốc đã yêu cầu phía Trung Quốc phải có trách nhiệm, nhưng họ đã từ chối với lý do: “…các đảo Paracels … không thuộc Trung Quốc… chúng không được sáp nhập về hành chính vào bất kỳ quận nào của Hải Nam …”. Như vậy là nhà đương cục Hải Nam “vô can” với hậu quả của vụ cướp bóc. Hoặc một ví dụ khác là vào thời nhà Thanh, có một chiếc tàu Pháp chở đồng đi qua vùng biển Hoàng Sa thì gặp cướp biển, bị cướp sạch. Viên thuyền trưởng đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam, trình báo với quan chức địa phương.Viên quan địa phương đó nói với thuyền trưởng rằng: “Nơi chúng ta đứng đây có tên là Thiên Nhai Hải Giác (chân trời góc biển). Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi”. Thế rồi tống cổ vị thuyền trưởng bị cướp ra khỏi nha môn.
Không hiểu sao nhóm nghiên cứu của ông Hàn Chấn Hoa không lấy đó là “chứng cứ” rằng cho tới tận thời nhà Thanh, chính quyền đâu có thừa nhận “Tây Sa” là của họ!
Tóm lại, đường 9 đoạn đang được dùng như một “căn cứ không thể chối cãi” nhưng nó phi lý, phản khoa học. Những phần “chứng cứ” của Trung Quốc được dẫn ra trong suốt cả mấy nghìn năm trước lẫn trong thế kỷ 20 đều chỉ có vậy thôi, lý lẽ khoa học cũng không có gì mới, chủ yếu vẫn chỉ là những tuyên bố theo kiểu “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi”.
Sau khi đưa ra các dẫn chứng phản bác lại lập luận phi căn cứ, phi khoa học, phi giá trị của các học giả Trung Quốc, GS.TS Vũ Minh Giang cho rằng, về mặt bằng chứng pháp lý và lịch sử, lẽ phải hoàn toàn thuộc về Việt Nam: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bài 3 Trung Quốc không có chứng cứ để “đọ” với chúng ta
Thưa ông, như bài trước ông nói rằng Trung Quốc đã âm thầm chuẩn bị thu thập tài liệu và chứng cứ liên quan tới vấn đề Biển Đông từ lâu. Trong khi đó về phía Việt Nam mặc dù có nguồn tư liệu đồ sộ, hình như chúng ta chưa có công trình nào có tính chất hệ thống tất cả các nguồn tư liệu đó một cách bài bản nhất?
Một thời gian rất dài chúng ta không chú ý lắm đến việc phổ biến cho nhân dân các công trình nghiên cứu khoa học của giới học giả về các chứng cứ lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của chúng ta ở Trường Sa và Hoàng Sa thôi, chứ tư liệu thì nhiều lắm. Thành ra đôi khi nhân dân mình trong khi biểu hiện lòng yêu nước thì cũng có lúc băn khoăn, nhất là khi thấy Trung Quốc luôn nói rằng “chúng tôi có đầy đủ bằng chứng”.
Bởi vì trước đây, ta luôn luôn coi quan hệ với Trung Quốc là một mối quan hệ cần giữ gìn, chúng ta luôn luôn coi là nhạy cảm. Vì vậy nói gì cũng ngại động đến họ. Trong khi họ ứng xử ngược lại, không giống chúng ta! Việc nhóm Hàn Chấn Hoa âm thầm chuẩn bị cuốn sách “Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên” như tôi đã dẫn ra là một bằng chứng cho thấy họ đã hành xử ngược lại từ lâu rồi!
Thưa GS, gần đây mọi người hay nói đến 24 bộ sử của Trung Quốc không có gì liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa. Thực hư chuyện này thế nào?
Trên thực tế, người Trung Quốc mới “xí” Hoàng Sa – Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) trong mấy chục năm nay thôi nên trong 24 bộ Sử chính thống của họ không có. Nói một cách chuẩn xác nhất là trong cuốn sách “Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên”, nhóm Hàn Chấn Hoa không đưa ra được một dẫn chứng nào từ 24 bộ chính sử của Trung Quốc.
Như tôi nói trong bài trước, cho đến đầu thế kỷ 20, bản đồ chính thức của họ (trước năm 1948), cũng như của Phương Tây không có chữ Tây Sa, Nam Sa bao giờ hết. Cho nên mình không nên rụt rè, họ không “giỏi lắm” như mình tưởng hoặc “nhiều lắm” như họ vẫn đang tuyên bố đâu.
Đó là lý do họ không muốn đa phương, quốc tế hóa vấn đề thưa ông?
Trung Quốc rất ghét đa phương, quốc tế hóa, rất ghét đưa ra trọng tài quốc tế là bởi vì họ chỉ giỏi nói to thôi. Nếu song phương thì họ có thể dỗ dành hoặc dọa nạt. Bao giờ họ cũng có thế hơn vì họ nhiều tiền, nhiều vũ khí nên họ thích song phương hơn. Đa phương thì họ đuối lý. Đó cũng là lý do tại sao dư luận thế giới, không phải việc của họ mà khi thấy Việt Nam bị xâm phạm người ta đã lên án Trung Quốc ào ào. Bởi vì về mặt khoa học, càng tìm tư liệu thì lại càng dày dặn chứng cứ cho thấy Việt Nam đúng.
Gần đây nhiều nhà khoa học thế giới cũng vạch ra cái vô lý của Trung Quốc nên họ đuối lý, nên họ cứ nói “chúng tôi có đầy đủ chứng cớ”, nhưng chứng cớ nào thì không đưa ra được.
Cho đến tận giữa thế kỷ 20, họ không có chứng cứ gì đâu. Nhưng, dù họ không có pháp lý nhưng tham vọng lại lớn. Cho đến nay, có thể nói Trung Quốc hoàn toàn ỷ thế nước lớn, đưa ra yêu sách vô lý chẳng ai công nhận, để chiếm giữ những hòn đảo, quần đảo bằng vũ lực. Bây giờ lại đưa giàn khoan ra, đầy tàu chiến xung quanh, họ cậy đông họ làm thế.
Trong khi mọi chứng cứ của các học giả Việt Nam và học giả quốc tế đều chứng minh chủ quyền Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam?
Ta không nói chuyện trước thế kỷ 17 như Trung Quốc vẫn nói từ tận thời Tây Hán, Đông Hán. Bởi vì nếu cứ chứng minh sớm quá như họ thì tôi nghĩ là không hiểu biết, chưa chắc lúc đó là có 2 quần đảo này đâu, nó chỉ là các bãi ngầm thôi. Đặc điểm 2 quần đảo này là đảo san hô. Mà đảo san hô có cả kết tủa của sinh vật sống xung quanh, cho nên nó lớn dần lên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những lượng vật chất phù sa để làm cho những quần đảo này nhô nhanh lên là sự nối dài tài nguyên của hai hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long của Việt Nam. Công ước LHQ về Luật Biển có nói về chuyện đó, 2 quần đảo là sự nối dài tài nguyên của nước mình. Từ thế kỷ 17, hai quần đảo này xuất hiện trên các bản đồ hàng hải phương Tây gắn liền với tên gọi Chămpa, sau này là một bộ phận của nước Việt Nam. Cho nên, Trung Quốc cứ nói từ trước công nguyên là nói vu vơ, không căn cứ vào đặc điểm của đảo san hô.
Phía Việt Nam chúng ta thì chứng cứ quá rõ. Rõ lắm! Các chứng cứ càng ngày càng dày dặn. Thế kỷ 17, ông Đỗ Bá có vẽ cái bản đồ đặt tên cho nó là “Bãi cát vàng” – tức Hoàng Sa. Chỉ một tư liệu này thôi đã cho thấy từ thế kỷ 17 người Việt đã lui tới, vẽ bản đồ, đặt tên (rất Việt), khai thác và thực thi chủ quyền trên 2 quần đảo. Loại tư liệu có căn cứ xác đáng như vậy Trung Quốc không hề có.
Ở thế kỷ 18, ghi chép của nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục còn cho biết chính quyền Chúa Nguyễn đã khẳng định chủ quyền thông qua việc tổ chức quy củ các đơn vị chuyên trách thực thi công vụ trên hai quần đảo (Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải).
Đặc biệt từ năm 1802 triều Nguyễn thành lập, xây dựng một chính quyền cai trị thống nhất từ Bắc chí Nam. Tiếp tục duy trì sự hiện diện và khai thác các nguồn lợi như các Chúa Nguyễn, các Hoàng đế triều Nguyễn còn đặc biệt quan tâm đến việc củng cố chủ quyền lãnh hải và trên các đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể nói đến thời Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thiết lập và thực thi một cách đầy đủ và toàn vẹn, không có sự tranh chấp nào. Chính vì vậy, khi đánh chiếm được Việt Nam, Pháp đã mặc nhiên đặt quyền quản lý của chính quyền đô hộ lên hai quần đảo.
Năm 1950 chính phủ Pháp chuyển giao quyền quản lý hai quần đảo cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Rồi đến năm 1951, như tôi nói ở bài trước, Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền ở Hội nghị San Francisco, mà không có bất cứ sự phản đối nào trước lời tuyên bố đó.
Như thế để nói rằng, Việt Nam có tất cả những chứng cứ về việc liên tục thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa suốt mấy thế kỷ cho đến tận năm 1974, và luôn tuyên bố về chủ quyền đó. Còn chủ quyền Trường Sa thì mình liên tục thực thi trong mấy thế kỷ cho tới ngày nay.
Về tính chính nghĩa thì Trung Quốc không “đọ” với mình được đâu. Chính vì ngay từ đầu nhiều năm qua chúng ta không chú trọng tuyên truyền, không công bố rõ ràng minh bạch nên dân mình có thể có lúc ngờ ngợ. Phải hiểu rằng giới học giả và chính khách Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác không bao giờ nói vu vơ, họ đọc tài liệu rất kĩ, các chuyên gia bên đó nghiên cứu sâu, họ biết hết nên họ mới thể hiện quan điểm rõ ràng trong vấn đề này như thế. Những tài liệu nước ngoài còn lưu trữ tới ngày nay đều chứng minh tính chính nghĩa của Việt Nam. Từ thế kỷ 17, 18, 19, người phương Tây sang Việt Nam đều thể hiện trong các tư liệu, bản đồ cho thấy Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam. Những tư liệu đó nhiều lắm. Càng đi sâu tìm hiểu nghiên cứu càng thấy nhiều.
Vậy việc tiếp theo của các học giả Việt Nam là gì để đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng chính các chứng cứ lịch sử của Việt Nam, của phương Tây và của chính phía Trung Quốc đưa ra?
Luận điệu của Trung Quốc là cãi lấy được, cho nên mình phải đưa ra những bằng chứng và lý luận đanh thép, chuẩn xác. Thứ hai, họ dùng vũ lực, sức mạnh nên mình có nói họ cũng chẳng nghe. Bây giờ là phải nói cho thế giới biết, thế giới nghe, nói cho nhân dân mình nghe. Hiện nay mình tranh thủ sự đồng lòng của nhân dân để có khối đại đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ của nước ngoài để thể hiện sự chính nghĩa. Mặt khác còn phải nghĩ rằng ta nói với nhân dân Trung Quốc để họ hiểu, nên cần có thêm những trang báo điện tử bằng tiếng Hoa để cho hơn 1 tỷ dân Trung Quốc hiểu họ không có “chứng cứ” gì hết, không phải hơn 1 tỷ dân Trung Quốc ai cũng “ngộ” được điều này đâu.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
CẨM THÚY (thực hiện)
Nguồn: daidoanket.vn
Vkyno (st)