Giàn khoan và kế nghi binh của Trung Quốc

Cho đến trước ngày 14-3-1988, Trung Quốc chưa từng “gửi chân” được ở Trường Sa. Nhìn lại lịch sử, những cuộc tấn công của Trung Quốc vào Trường Sa và Hoàng Sa đều lợi dụng thời điểm Việt Nam chưa tập trung phòng bị. Bài học Gạc Ma 1988 nhắc chúng ta phải cảnh giác cao độ trước Trung Quốc: Có thể giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là một phương án nghi binh đánh lạc hướng, trong khi cái họ nhắm tới là xây dựng căn cứ quân sự ở Gạc Ma, từ đó lấn dần “nuốt trọn” Biển Đông.

HIÊN NGANG TRƯỜNG SA – Bài 3

Đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa

Trung Quốc đã từng “gửi chân” như thế nào?

Theo phân tích của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam, nhìn lại quá trình Trung Quốc tiến xuống Biển Đông thông qua việc từng bước dùng vũ lực xâm chiếm, đặt chân lên 2 quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có thể thấy rằng Trung Quốc đều lợi dụng vào những thời điểm Việt Nam đang bận việc khác, thiếu phòng bị.

Năm 1946, lợi dụng lúc Việt Nam đang đối phó với sự trở lại của thực dân Pháp, Trung Quốc đã sử dụng một hạm đội gồm 4 chiến hạm chở 59 binh sĩ lấy cớ giải giáp quân Nhật, tiến ra chiếm một số đảo ở Hoàng Sa. Tiếp đó, tháng 4-1956, khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã lợi dụng quá trình chuyển giao một số điều theo Hiệp định Genève để đưa quân ra chiếm đảo Phú Lâm. Năm 1974, lợi dụng tình hình Việt Nam chưa thống nhất, Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành chiếm nốt đảo phía Tây để hoàn thành “chiến dịch” chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cho đến trước trận tấn công chiếm đóng Gạc Ma, ngày 14-3-1988, Trung Quốc chưa hề có chỗ đứng chân ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, âm mưu thực hiện ý đồ đen tối đó đã được họ chuẩn bị rất công phu để gây ra cuộc hải chiến ở các đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc cụm đảo Sinh Tồn. Bất chấp tất cả, họ dùng lực lượng quân sự nổ súng vào những người lính Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ xây đảo với số lượng nhỏ nhoi và hầu như không có vũ khí trong tay. Dù đã chiến đấu cực kỳ oanh liệt đến hơi thở cuối cùng, những chiến sĩ Việt Nam anh dũng ngoan cường đã không giữ được Gạc Ma trước một kẻ thù hung hãn và ỷ vào sức mạnh quân sự. Từ bàn đạp đá Gạc Ma, hiện Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép 7 đảo, đá, bãi của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Theo GS. TS Vũ Minh Giang, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nhưng có tham vọng lớn. Trung Quốc hoàn toàn ỷ thế nước lớn, đưa ra yêu sách vô lý để chiếm giữ những hòn đảo, quần đảo bằng vũ lực.

Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam 1979 là lợi dụng thời điểm Việt Nam đang thực hiện trách nhiệm đối với thế giới là tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Lúc mất Gạc Ma và một vài đảo ở Trường Sa năm 1988 là lợi dụng lúc Mỹ đang thực hiện chế độ cấm vận Việt Nam, khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, Trung Quốc nhân cơ hội để chiếm Gạc Ma. Đấy là những bài học lịch sử đắt giá nhắc nhở ta không được phép lơ là.

Giàn khoan Hải Dương 981 là một chiến thuật nghi binh?

Các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc chắc chắn rất giỏi vận dụng binh pháp hư hư thực thực, như một kế sách trong các cuộc chinh phạt liên miên. Và dù các bên đều đã thuộc lòng, vẫn có thể bị mắc mưu.

Những ngày vừa qua, không phải ngẫu nhiên nhiều nhà bình luận quốc tế đều đưa ra dự đoán cho rằng: Giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là một kế nghi binh đánh lừa dư luận, Trung Quốc nhân cơ hội Việt Nam quá chú trọng đến khu vực biển Hoàng Sa để âm thầm tiến hành những động thái khác ở Trường Sa.

Hãng Reuteur đã dẫn lời một nhà bình luận người Mỹ gốc Hoa – TS Gordon G. Chang: “Vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ít khả năng có dầu khí và hiệu quả kinh tế gần như không có, nhưng lại nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và gần quần đảo Hoàng Sa. Ở vị trí này, Trung Quốc sẽ thu hút tối đa sự chú ý và phản ứng của Việt Nam nhưng lại ngăn chặn sự can thiệp của ASEAN và quốc tế, vì đây là vấn đề song phương. Đến 15-8, Trung Quốc có thể rút giàn khoan. Nhưng đến lúc đó, Bắc Kinh có thể đã cải tạo xong phần nền trong kế hoạch biến các bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo và căn cứ quân sự rồi”.

Còn Hãng tin ABS – CBN của Philippines đã phỏng vấn cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Roilo Golez. Ông này đã cảnh báo: Với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc đủ sức xây dựng một hòn đảo nhân tạo gần bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, với một căn cứ quân sự rộng khoảng 5 km2 tọa lạc bên trên. Việc các đảo nhân tạo được xây dựng phi pháp ở Trường Sa không chỉ nhằm phục vụ Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) hay hỗ trợ tàu quân sự, mà còn dùng để hỗ trợ ý đồ Trung Quốc “lê” giàn khoan dầu khắp Biển Đông.

Hãng tin Bloomberg đã dẫn những nguồn tin từ các ngư dân và giới chức Philippines cho biết, tàu Trung Quốc đang thường xuyên chở vật liệu qua vùng nước gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam để phục vụ cho việc xây dựng.

Tóm lại, bài học Gạc Ma 1988 cho thấy Trung Quốc hoàn toàn có thể đang tiến hành những động thái tiếp theo cực kỳ nguy hiểm đối với Trường Sa. Dù có thể “nghi binh” dưới hình thức xây dựng những chỗ trú chân cho ngư dân, Trung Quốc đang triển khai những hoạt động quân sự đội lốt dân sự trên biển. Việc xây dựng trái phép ở một số bãi đá ngầm mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ 1988 nhằm thực hiện ý đồ lâu dài là hợp lý hóa mưu đồ “đường 9 đoạn” đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Những bài học từ lịch sử đang nhắc nhở chúng ta. Máu của 64 liệt sĩ ngã xuống trong trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988 đang nhắc nhở chúng ta một bài học cảnh giác đang càng trở nên thời sự hơn bao giờ hết.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:
Trung Quốc đang dùng chuyện giàn khoan để “đột phá” vào mưu đồ Biển Đông

Phải nhận thức một cách rõ ràng âm mưu của Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 không phải thuần túy vấn đề về kinh tế, vấn đề dầu mỏ mà đây là bước gây hấn có tính chất “đột phá” để Trung Quốc tạo ra điều kiện tiếp tục thực hiện ý đồ bá quyền làm chủ Biển Đông theo lý thuyết đường lưỡi bò. Tại sao tôi gọi là bước đột phá? Trung Quốc muốn chiếm được Biển Đông theo đường lưỡi bò thì trước hết phải mở được đột phá khẩu, tức muốn đi về phía Nam thì phải làm chủ được hoàn toàn khu vực Hoàng Sa. Từ khu vực Hoàng Sa nếu họ không bị cản trở, không bị chặn đứng thì họ tiếp tục triển khai các bước lấn tới.

Theo các nguồn tin thì Trung Quốc đang ráo riết xây dựng công trình ở đảo Chữ Thập gần Gạc Ma. Nếu họ đứng vững được ở khu vực Hoàng Sa, lại xây dựng được sân bay ở Gạc Ma thì chắc chắn là một nguy cơ không riêng gì của Việt Nam, của các nước Đông Nam Á, mà là mưu đồ nuốt trọn Biển Đông, rồi đến eo biển Malacca, tiếp tục con đường bành trướng sang Ấn Độ dương.

Nếu Trung Quốc xây được sân bay ở Gạc Ma, toàn bộ Biển Đông sẽ bị họ khống chế cả về đường không lẫn đường biển. Điều đó hết sức ngang ngược và vô lý.

C.Thúy – T.Hương (ghi)

CẨM THÚY

Nguồn: daidoanket.vn
Vkyno (st)