LTS: Không còn phải tranh cãi nữa, Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam. Nhưng bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế, trong thực tế nhiều lần Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giữa những ngày giàn khoan Hải Dương 981 vẫn đang hiện diện trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bài học về những thời điểm chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa bị xâm chiếm càng không thể phai mờ. Sau những thử thách gian nan, vẫn hiên ngang một Trường Sa giữa biển Đông bão tố.
HIÊN NGANG TRƯỜNG SA – Bài 1
Ngọn hải đăng trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa)
Điều gì đã khiến những thế hệ người Việt Nam sẵn sàng không ngại hy sinh gian khổ để chiến đấu bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa như trận hải chiến Hoàng Sa 1974 hay cuộc chiến đấu giữ đảo ở Trường Sa năm 1988? Câu trả lời là niềm tin sắt đá của người Việt Nam vào tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu.
Trường Sa – Hoàng Sa là hương hỏa ông cha để lại và những cuộc chiến đấu là để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của người Việt Nam. Nhà sử học Dương Trung Quốc, từ góc độ của một người làm sử, nói rằng: Dân tộc ta luôn coi trọng chính nghĩa. Chính nghĩa của chúng ta là sức mạnh cao nhất. Nhìn vào trong lịch sử đất nước mấy nghìn năm, nhà sử học có đầy đủ dẫn chứng và lý lẽ thuyết phục về nhận định đó. Những cuộc chiến tranh chúng ta đã trải qua đều là những cuộc chiến tranh chúng ta không hề mong muốn. Chúng ta mong muốn hòa bình nhưng chúng ta đã buộc phải chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tự do độc lập. Sau những thử thách gay go, cái cuối cùng còn lại, trường tồn cùng lịch sử, cùng dân tộc là tính chính nghĩa và tinh thần hòa hiếu. Sức mạnh của chúng ta là sức mạnh của chính nghĩa và chúng ta chiến thắng nhờ niềm tin vào chính nghĩa.
Không phải ngẫu nhiên khi các nhà nghiên cứu Việt Nam nói về Biển Đông đều đồng lòng tin lẽ phải thuộc về chúng ta. Rằng chúng ta sẽ bảo vệ được chủ quyền biển đảo bằng sức mạnh Việt Nam. Nếu nói về sức mạnh quân sự và kinh tế, Việt Nam không chạy đua được với Trung Quốc. Nhưng Việt Nam có cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử trên cơ sở pháp luật quốc tế – đó là sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam.
Từ trong lịch sử, nhiều triều đại phong kiến Việt Nam cũng vì tính chính nghĩa của những cuộc chiến tranh giữ nước mà nói như nhà văn hóa Phan Ngọc là biết “cúi xuống để chiến thắng”, thắng giặc nhưng vẫn giữ tình hòa hiếu, thắng giặc mà không biến đó thành nguyên nhân để tiếp tục hận thù, mà làm mọi cách để kẻ thù phải từ bỏ dã tâm với đất nước mình. Nếu Nguyễn Trãi đem tư tưởng nhân nghĩa ra để vận động, thuyết phục cả chính kẻ thù, thì đến Quang Trung – Nguyễn Huệ đã nhấn mạnh tính chính nghĩa của chiến tranh chống xâm lược là lập lại lẽ công bằng của trời đất, là khẳng định quyền tồn tại của một dân tộc, một quốc gia. Đánh để kẻ thù phải hiểu ra đất nước này là một quốc gia có văn hóa, một quốc gia anh hùng. Phó giáo sư Phạm Quang Long trong một bài viết mới đây về văn hoá giữ nước đã nhận định: Từ nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê cho đến nhà Tây Sơn đều nhận thức một cách sâu sắc: giữ hòa hiếu, vừa cương, vừa nhu, dùng nhu khống chế sự hung hãn, cương mãnh của kẻ thù để giữ yên bờ cõi. Dân tộc Việt Nam là dân tộc biết “trồng tre làm gậy” để đánh đuổi kẻ thù nhưng lại hiểu thấu đáo lẽ đời “oán thù nên cởi chứ không nên buộc” và “Thánh nhân bất đắc dĩ dụng binh” là tư tưởng chiến lược trong kế sách giữ nước của ông cha.
Trở lại với những cuộc chiến đấu bảo vệ Trường Sa – Hoàng Sa. Đặc biệt là trận chiến đấu Trường Sa 1988. Những người lính Việt Nam với vũ khí đơn sơ trong tay đã chiến đấu oanh liệt trong một cuộc chiến đấu không cân sức. Họ kết thành vòng tròn bất tử. Họ chỉ chấp nhận để Gạc Ma rơi vào tay đối phương khi đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Những sự hy sinh anh dũng người Việt Nam chỉ chấp nhận khi dành cho Tổ quốc. Bởi thế mà tất cả những luận điệu của Trung Quốc nhằm xuyên tạc, vu cáo, đổi trắng thay đen về chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa – Hoàng Sa trong nhiều năm qua không lay chuyển ý chí, niềm tin của người Việt Nam về tính chính nghĩa trong những cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Khẳng định tính chính nghĩa của mình, ý chí của người Việt Nam biến thành sức mạnh trong lời thề năm 1988 được Đại tướng, Bộ trưởng quốc phòng Lê Đức Anh đọc giữa đảo Trường Sa lớn: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế.
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Ý chí bảo vệ Trường Sa trong những năm tháng ấy còn là lời khẳng định chắc nịch của Tư lệnh Giáp Văn Cương: “Giá trị gì mấy cái hòn đá cỗi cằn này mà phải gìn giữ? Nhưng đây là Tổ quốc của mình, là máu thịt của mình. Chúng ta giữ gìn, có phải giữ mấy hòn đá hoang dại này đâu. Mà là giữ biển đấy chứ. Mất đảo là mất biển, mà biển lại bao bọc suốt từ Bắc đến Nam. Tất cả kẻ thù đánh ta đều đi từ đường biển. Pháp cũng vào ta từ biển. Mỹ cũng thế. Gần kề ta, núi liền núi, sông liền sông, mà Ô Mã Nhi xưa cũng tấn công ta qua cửa biển Bạch Đằng. Thế thì chúng ta phải giữ đảo, giữ biển thôi. Khổ mấy cũng phải giữ. Có chết cũng phải giữ”.
Khổ mấy cũng phải giữ, có chết cũng phải giữ – người Việt Nam viết tiếp trang sử ông cha đã giữ Trường Sa bằng máu và nước mắt. Bởi vì đó là chủ quyền Tổ quốc, là niềm tin mãnh liệt vào chính nghĩa thuộc về chúng ta. Bất chấp hiểm nguy, chủ quyền Trường Sa đã và sẽ tiếp tục được bảo vệ, được gìn giữ hoà bình bằng ý chí Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, chính nghĩa Việt Nam.
CẨM THÚY
Nguồn: daidoanket.vn
Vkyno (st)