Xây đảo ở Gạc Ma: Không loại trừ Trung Quốc muốn ADIZ

(Tham vọng bá quyền) – Nếu xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma, nghĩa là Trung Quốc muốn khống chế toàn bộ tuyến đường hàng hải qua khu vực này.

Philippine đang điều tra hành động miệt mài chở sắt, thép, cát, xi măng ra vùng biển quần đảo Trường Sa và ráo riết xây dựng đảo nhân tạo ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) của Trung Quốc. Động thái này làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

Bức ảnh đảo Gạc Ma bị Trung Quốc thay đổi hiện trạng (chụp ngày 28/2/2013) do Bộ Ngoại giao Philippines công bố ngày 14/5/2014 Ảnh: ReutersBức ảnh đảo Gạc Ma bị Trung Quốc thay đổi hiện trạng (chụp ngày 28/2/2013) do Bộ Ngoại giao Philippines công bố ngày 14/5/2014 Ảnh: Reuters

Người ta vẫn nói đến sau cái đó sẽ là cái gì? Một căn cứ hải quân quân sự, một sân bay hay có thể phát triển thành khu kiểm soát hàng không (ADIZ) trên Biển Đông và giành thế chủ động kiểm soát bất hợp pháp toàn bộ vùng biển này?

Trước những lo ngại này, báo Đất Việt đã có trao đổi với ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh – Quốc phòng của Quốc hội.

Âm mưu độc chiếm Biển Đông

PV: – Philippines đang cho điều tra động thái xây đảo nhân tạo tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phản ứng của Việt Nam trước động thái này thế nào, thưa ông?

Ông Lê Việt Trường: Tới thời điểm này, tôi vẫn chưa có thông tin nào chính thức về việc Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma hay chỉ là các hoạt động dân sự bình thường khác.

Nếu Trung Quốc có ý đồ xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma của Việt Nam, tôi cho đó là bước đi phiêu lưu hết sức nguy hiểm.

Nhưng bất luận thế nào, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự là trái với tinh thần bản Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên biển Đông năm 2002 (DOC), ở điểm quy định các bên tranh chấp không được biến các đảo không người ở thành nơi có người ở.

Về mặt pháp luật quốc tế hiện nay trên Biển Đông nhất là với các đảo chìm, đảo san hô phải giữ nguyên hiện trạng và không được làm biến dạng hiện trạng đó. Nếu nước nào làm biến dạng thì tức là vi phạm công ước.

Hiện nay theo như thông tin của Philippines họ theo dõi và phát hiện thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng trên đảo Gạc Ma. Việt Nam cũng sẽ theo dõi chặt chẽ và đang điều tra động thái này.

Nếu như Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trên đảo Gạc Ma thì Việt Nam sẽ kiên quyết phản đối vì Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Trách nhiệm của chúng ta là phải làm rõ vấn đề này với dư luận quốc tế và ngay cả với các nước trong khu vực ASEAN. Trên cơ sở đó, thể hiện quyết tâm hướng tới một cộng đồng ASEAN đoàn kết, bảo vệ hòa bình, an ninh trong khu vực.

Ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hộiÔng Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh – Quốc phòng của Quốc hội

PV: – Theo nhận định của ông, động thái này của Trung Quốc nhằm mục đích gì? Tại sao, Trung Quốc lại lựa chọn vị trí là đảo Gạc Ma, thưa ông?

Ông Lê Việt Trường: Vị trí của Gạc Ma thì ai cũng biết đó là một vị trí rất quan trọng đối với quốc phòng, quân sự. Nếu có một căn cứ quân sự được xây dựng trên đảo Gạc Ma nó sẽ khống chế toàn bộ mọi hoạt động quân sự trong toàn khu vực đảo Trường Sa của Việt Nam.

Việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự hiện đại trên đảo Gạc Ma ẩn chứa đại họa, đe dọa hòa bình và an ninh không chỉ ở biển Đông mà trên toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ai cũng biết, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có vị trí và giá trị chiến lược cực kỳ quan trọng ở biển Đông. Hai quần đảo này cùng với Bạch Long Vĩ, Cù Lao Thu, Côn Đảo, Thổ Chu… tạo thành tuyến án ngữ vòng ngoài.

Các đảo Cô Tô, Bái Tử Long, Hạ Long, Hòn Mê, Hòn Mát, Hòn Ngư, Cồn Cỏ, Cù Lao Ré, Cù Lao Chàm, Hòn Khoai, Phú Quốc… tạo thành tuyến án ngữ vòng trong.

Nếu Hoàng Sa là vị trí tiền tiêu chiến lược ở vùng biển Bắc Việt Nam, án ngữ trực tiếp khu vực Đông Nam vịnh Bắc Bộ và từ đó có thể giám sát một vùng rộng lớn ở Bắc biển Đông thì Trường Sa có vị trí tiền tiêu án ngữ toàn bộ vùng biển Nam Việt Nam, kiểm soát một vùng rộng lớn ở phía Đông và Nam biển Đông.

Xét về địa thế chiến lược, hai quần đảo này nằm ở vị trí liên quan tới lợi ích của nhiều cường quốc hàng hải ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ… Nếu nước nào khống chế được vị trí đó thì cũng có nghĩa họ đã khống chế được toàn bộ tuyến đường hàng hải qua khu vực này.

Việc Trung Quốc lựa chọn đảo Gạc Ma, nằm trong quần đảo Trường Sa do Việt Nam đang nắm quyền thực thi quyền quản lý, kiểm soát là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Hành động này cho thấy, mục đích của Trung Quốc là nhằm khống chế toàn bộ khu vực này.

Không ngoại trừ khả năng Trung Quốc thành lập vùng ADIZ ở Biển Đông

PV: Theo nhận định của Philippines, Trung Quốc xây căn cứ quân sự lớn trên đảo Gạc Ma với sân bay có đường băng dài hơn 1,6 km, có thể làm căn cứ cho các máy bay chiến đấu như J-11 của họ – có tầm hoạt động hơn 3.200 km.

Trong trường hợp đó, ông có lo ngại trước khả năng Trung Quốc sẽ đơn phương thành lập khu nhận diện phòng không (ADIZ) trên vùng biển của nước ta?

Ông Lê Việt Trường: Trên thực tế, trung Quốc đã từng làm như vậy ở Biển Hoa Đông. Nếu nhận định của Philippines là chính xác thì chúng ta cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thành lập khu vực thông báo bay trên vùng biển của chúng ta.

Trung Quốc xây đảo tại Gạc Ma:Đừng để thành sự đã rồi!

PV: Vậy Việt Nam sẽ thế nào thưa ông?

Ông Lê Việt Trường: Nếu TQ thành lập ADIZ nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam và các nước xung quanh. Điểm đáng chú ý của ADIZ trên Biển Đông là do Biển Đông hẹp nên ADIZ luôn chồng lấn lên chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia xung quanh, ngoại trừ do chính các nước xung quanh tự lập ra trong khu vực EEZ của mình.

Điều khẳng định chắc chắn là nếu Trung Quốc lập khu nhận dạng phòng không trên Biển Đông thì sẽ có nhiều vùng chồng lấn rộng lớn lên chủ quyền, quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơng ông!

Kênh tin tức ANC (Philippines, ngày 10/6) dẫn lời ông Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, cho biết Trung Quốc xây căn cứ quân sự lớn trên đảo Gạc Ma với sân bay có đường băng dài hơn 1,6 km, có thể làm căn cứ cho các máy bay chiến đấu như J-11 của họ – có tầm hoạt động hơn 3.200 km.

Viện Nghiên cứu và Thiết kế số 9 của Trung Quốc cũng đã tiết lộ hình ảnh phác họa căn cứ quân sự ở Gạc Ma. Còn báo Want China Times (Đài Loan) dẫn nguồn Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam với đầy đủ sân bay và hải cảng.

Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) hôm 8/6 đưa tin Bắc Kinh đang xây dựng một đảo nhân tạo tại bãi đá ngầm Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa cùng căn cứ quân sự tại đây để triển khai sức mạnh quân sự ở biển Đông…

Căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang ráo riết xây dựng trên đảo Gạc Ma có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nước này. Đây là nơi họ chuẩn bị để đón tàu sân bay ra hoạt động trên biển Đông, làm bàn đạp để thực hiện chiến lược kiểm soát và từng bước chiếm toàn bộ khu vực Trường Sa. Sau khi chiếm đoạt Trường Sa, cùng với Hoàng Sa đã từng chiếm đoạt của Việt Nam, Trung Quốc theo đuổi tham vọng kiểm soát một khu vực mà Bắc Kinh tự gọi là “đường 9 đoạn” để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”: Bá chủ thiên hạ.

Trung Quốc tranh giành chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhằm 4 mục đích lớn về quân sự: 1) Phối hợp với đảo Hải Nam, tạo thế trận liên hoàn cho các mũi tiến công ở phía trước, hai bên sườn và bọc hậu đối với tất cả những hạm đội của các nước đi vào biển Đông; 2) Bảo vệ đại lục rộng lớn bằng hàng rào phòng thủ vòng ngoài, theo đó Trung Quốc dùng Trường Sa kết hợp với Hoàng Sa và Hải Nam tạo thành một hệ thống phòng ngự từ xa, buộc đối phương ở Nam và Đông Nam biển Đông phải đi qua nhiều tuyến biển trước khi đặt được chân lên lục địa của họ; 3) Từ Hoàng Sa, Trường Sa và Hải Nam, hải quân Trung Quốc có lợi thế nếu đối phương tiến công họ theo hướng biển; 4) Sử dụng Hoàng Sa, Trường Sa để khống chế và kiểm soát toàn bộ cục diện biển Đông.

 Vũ Lan

Nguồn: baodatviet.vn Vkyno (st)