Vươn lên những đảo xanh

(Biển đảo Tổ quốc tôi) – Những đảo, những cây và đời sống Trường Sa hôm nay đem lại cho mỗi người đến với nơi này cảm nhận về sự xanh tốt, vững vàng, cùng với niềm tin vào những con người đang vượt lên không ngừng.

HIÊN NGANG TRƯỜNG SA – Bài 4


Hệ thống điện gió trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa)
“Cát xanh” trên biển

Trước mỗi lần đến một đảo nổi, loa phát thanh trên tàu lại giới thiệu khái quát về “điểm đến”. Câu ví von thường xuyên: Đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa Lớn…, nhìn từ xa, như một khu rừng nguyên sinh giữa biển, như một thành phố sáng ngời ánh điện hiện lên giữa biển cả mênh mông.

Thực ra, nghe nhiều cũng có cảm giác quen. Nhưng khi đảo đã dần hiện lên trước mặt, những “gợi ý” ấy lại dào lên đến thổn thức. Hồi hộp, nghèn nghẹn khi được thấy một phần Tổ quốc mình nơi xa khơi đang thành hình vạm vỡ! Cảm giác vẫn dội lại khi tôi được nhìn những bức ảnh đen trắng chụp năm 1988, những thước phim tài liệu được quay cũng vào thời gian này. Những người lính cởi trần, quần cộc đẩy xe, khuân đá hay ngồi quanh tô cơm sơ sài. Quanh họ, đảo chói chang nắng, loi choi vài cụm cây. Suốt nhiều năm, những người lính canh giữ biển đảo đã sống và làm việc, lao động trong gió lửa táp từ trên trời, từ bốn phía. Tôi còn gặp trong Bảo tàng Hải quân dàn trống tự chế của anh em bộ đội thời kỳ đó, từng được kỳ công cắt, gò, đóng để cải thiện những thiếu thốn về tinh thần trong ngày tháng dài.

Bây giờ đã khác rồi! Chỉ cần so với những gì mình từng mục sở thị trong chuyến đi thăm và kiểm tra Trường Sa năm 2006, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang đã khẳng định: Khác một trời một vực!

Những đảo xanh vươn mình trên biển, từng hàng cây nối dài xòe lùm, xòe tán san sát như bát úp. Áo đảo xanh phủ trên những con đường bê tông quang quẻ. Chỗ này hội trường, kia là nhà văn hóa, một quãng nữa quảng trường rộng rãi. Những đoạn đường dẫn đến trạm xá, những khu nhà ở của lính hải quân, khu của các bộ phận kỹ thuật dẫn đến đèn biển. Có những đảo, đường dẫn về khu dân cư rợp bóng lá, rồi trường học, rồi chùa ẩn mình sau lá tĩnh lặng… Trong những không gian ấy, dường như đâu đâu cũng thấp thoáng nụ cười. Leo lên cao, khách thăm đảo nhìn rõ hơn hệ thống cột điện gió và những tấm pin mặt trời “đón” nắng gắt từ trên cao xuống làm điện.

Nước và điện dùng cho sinh hoạt thiết yếu vẫn phải tiết kiệm, có những thời điểm phải tằn tiện. Nhưng mọi thứ đều đang khá dần lên. Bí thư Lê Thanh Quang nắm chắc thông tin về nhiều đầu việc trên tiến trình trung chuyển giữa đất liền với biển đảo, ông điểm lại: Chương trình rau xanh triển khai gần chục năm qua, giống và đất được thay đổi thường xuyên, anh em đã tự túc được phần lớn lượng rau cần thiết. Nguồn tài trợ năng lượng mặt trời, công nghệ cải tạo nước lợ để sử dụng ở một số đảo, rồi chương trình đầu tư bền vững về các nhu cầu ăn, ở đang được thực hiện cho nhiều kết quả khả quan. Rồi sự thành lập nghiệp đoàn nghề cá, rồi nguồn hỗ trợ quý giá của các địa phương, các tập đoàn, những tấm lòng cả nước dành cho Trường Sa với xi măng, sắt thép, hệ thống phương tiện nghe nhìn…, cả nước vì Trường Sa, càng khiến Trường Sa vì cả nước mà ngày càng thêm vững mạnh.

“Trường lớp được trang bị cơ sở vật chất khá đầy đủ đảm bảo cho công tác giáo dục. Nhân dân của xã được hưởng chế độ bảo hiểm y tế miễn phí, thường xuyên được bệnh xá khám, kiểm tra, chăm sóc sức khỏe định kỳ. Các hộ dân trên đảo được Nhà nước đầu tư xây dựng cho mỗi gia đình một căn hộ với tổng diện tích 200m2, có đủ tiện nghi sinh hoạt, chất lượng các công trình tốt, được thiết kế rộng rãi, thoáng mát. Các gia đình an tâm sinh sống lập nghiệp tại đảo. Hiện trên xã đảo có 12 cháu, trong đó có 2 cháu học lớp 2”. (Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường – Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây).

Những con người mới!

Trên mỗi hòn đảo, tôi gặp những con người với nhiều câu chuyện, nhiều tâm sự cũng không thể nói là không có những nỗi niềm, những riêng tư. Nhưng ánh mắt, lời nói của họ lại khiến người đối diện thấy mình được tiếp lửa. Đảo Sơn Ca, Trung úy Trần Mạnh Tú làm công tác trợ lý, anh từng học sĩ quan pháo binh ở Sơn Tây (Hà Nội), được phân công vào vùng 4, chưa quen đất đã ra công tác ở đảo Trường Sa Lớn từ năm 2012. Sau khi về bờ một thời gian, Tú lại ra với Sơn Ca. Anh nói: Bố đã ra Trường Sa lớn thăm em một lần, em cũng mong bố ra để biết còn về tuyên truyền với gia đình, làng xóm. Cũng ở Sơn Ca, tôi hỏi khi thấy các chiến sĩ bồng súng đứng nghiêm hàng giờ bên mốc chủ quyền trong nắng gắt, Thiếu úy Khương Văn Phú nói: Mốc chủ quyền như bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc! Xa về địa lý, tự nhiên với những điều kiện khác nhau, đảo hẹp, dài, chịu ảnh hưởng của thủy triều và sóng gió lớn, tháng Sáu ảnh hưởng gió mùa Tây Nam, càng gây khó khăn cho việc đi lại của cán bộ, công chức huyện đảo Trường Sa cũng như việc thực hiện nhiệm vụ của chiến sĩ… Vài khái quát của Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa – Nguyễn Viết Thuân cho thấy những gian khó thường trực, nhất là những thách thức khó lòng thay đổi của thiên nhiên, khí hậu khắc nghiệt.

Những thách thức ấy, có còn cách nào khác là phải tìm mọi cách vượt qua! Cán bộ, nhân dân, nhất là chiến sĩ phải có sức khỏe, rèn luyện thường xuyên trong mọi điều kiện thời tiết để làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, hỗ trợ ngư dân. Chủ tịch Thuân nhấn mạnh: Mỗi con người trên một hòn đảo ấy, phải hiểu cụ thể nó, và quan trọng là những người có tâm huyết với công việc mới có thể đứng ra đảm trách những nhiệm vụ trên biển đảo.

Hoàng Thi

Bài 1: Niềm tin chính nghĩa
Bài 2: Gạc Ma – Tượng đài trên biển
Bài 3: Giàn khoan và kế nghi binh của Trung Quốc

Nguồn: daidoanket.vn
Vkyno (st)