Luật gia Jitendra Sharma nói về Hoàng Sa – Trường Sa:
Nhân dịp thay mặt Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) đến Việt Nam để đọc bản Tuyên bố đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, không làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông, ông Jitendra Sharma, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch danh dự, nguyên Chủ tịch IADL, đã có cuộc trao đổi với các phóng viên những thông tin quan trọng liên quan đến vụ việc.
>> Đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế
Tại hội nghị an ninh Đối Thoại Shangri-La, đại diện đoàn đại biểu Quốc phòng Trung Quốc, tướng Vương Quán Trung, đã nói rằng, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 không áp dụng với khu vực biển Đông. Xin ông cho biết quan điểm về điều này?
Ông Jitendra Sharma: Nói thẳng là, tuyên bố của tướng Vương Quán Trung là một quan điểm sai lầm. Vì trong toàn bộ các văn bản của UNCLOS, không có điều khoản nào không được áp dụng trong những trường hợp như thế. Mọi tranh chấp lãnh hải đều phải được sử dụng UNCLOS để giải quyết. Những gì liên quan đến hòn đảo và xung quanh nó, đều rơi vào phạm trù của UNCLOS. Không thể có trường hợp như Trung Quốc nại ra để loại trừ.
Nếu Việt Nam xử lý vụ việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông bằng pháp lý, IADL sẽ trợ giúp gì liên quan đến vấn đề pháp lý? Theo ông, Việt Nam nên chọn cơ quan tài phán nào?
Ông Jitendra Sharma: Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình, tôi tin là Việt Nam sẽ cố gắng tìm mọi cách để giải quyết vấn đề, theo phương cách càng hòa bình càng tốt. Tôi tin chắc Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ tham khảo các nguồn và khả năng có thể, để vận dụng luật pháp quốc tế cũng như hiến chương LHQ, nhằm giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình.
Sẽ là vội vàng nếu IADL tìm cách dự đoán các hành động tiếp theo của Việt Nam là gì. Nhưng IADL luôn sát cánh bên đất nước và người dân Việt Nam và ủng hộ hết mức để giải quyết những vấn đề đang diễn ra ở biển Đông. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển Việt Nam là vi phạm trắng trợn và vì lẽ đó, Việt Nam hoàn toàn có quyền để thực hiện tất cả các bước phù hợp, để đối phó với tình hình. Việt Nam có quyền lựa chọn cách thức xử lý, nhưng dù Việt Nam quyết định thế nào, IADL vẫn luôn ủng hộ và sát cánh. Trong nội dung tuyên bố, chúng tôi đã nêu rõ và chúng tôi cũng đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền hợp pháp của ViệtNam.
Ông Jitendra Sharma, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch danh dự, nguyên Chủ tịch IADL, đọc bản Tuyên bố.
Ông nhận xét gì trước việc Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền với Hoàng Sa-Trường Sa, trong khi Trung Quốc không có bằng chứng nào về “đường 9 đoạn” mà họ tự đưa ra? Trong vụ kiện của Philippines, UNCLOS đóng vai trò thế nào?
Ông Jitendra Sharma: Tôi nhất trí rằng, bằng chứng lịch sử rất thuận lợi cho Việt Nam. Việt Nam là nước có bằng chứng lịch sử mạnh mẽ nhất để khẳng định chủ quyền của mình. Có thể ở một vài thời điểm, do hoàn cảnh cụ thể, Việt Nam không duy trì được việc có người thường xuyên trên quần đảo đó, nhưng nói chung, các bằng chứng lịch sử đều khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo đó. Ở đây cũng cần nói rõ rằng không có lý lẽ nào có thể biện hộ cho việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong vụ việc Philippines, có những điểm tương đồng với Việt Nam. Dù Việt Nam lựa chọn thế nào, kiện ra tòa án quốc tế hay Hội đồng trọng tài quốc tế, hay kiện ra LHQ, thì các bằng chứng lịch sử đều tạo cho Việt Nam vị thế hơn rất nhiều so với Philippines trong vụ việc của họ.
Ông nghĩ thế nào về khả năng Việt Nam đưa vụ việc ra tòa án quốc tế? Việt Nam có thể gặp khó khăn gì và theo ông, công lý có đến với Việt Nam?
Ông Jitendra Sharma: Luật gia chúng tôi rất “kỵ” nói thẳng là sẽ giúp như thế nào. Nhưng bất cứ khi nào Chính phủ Việt Nam đưa ra một yêu cầu về hỗ trợ pháp lý thì chúng tôi đều sẵn sàng.
Về khả năng của Việt Nam đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, thì quyết định kiện ra toà quốc tế là của người dân và Chính phủ Việt Nam. Chúng ta có thể kiện dựa vào việc Trung Quốc đã vi phạm về Luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp trên biển, Trung Quốc vi phạm Hiến chương LHQ, kiện về vi phạm chủ quyền của đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, đây là điều cực kỳ quan trọng và tôi tin người dân và Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những quyết định phù hợp.
Cơ chế đem lại từ phía tòa quốc tế cũng như những yếu tố uyển chuyển mà chúng ta phải chú ý hơn. Phán quyết của Tòa án cũng có thể chịu ảnh hưởng nhất định bởi những nhóm chính trị là thành viên của họ. Nhưng ở vụ việc này, Việt Nam có yếu tố pháp lý và chính trị tương đối mạnh, liên quan đến những vấn đề tôi vừa nêu về những hoạt động của Trung Quốc. Một khi Việt Nam cân nhắc kỹ càng mọi vấn đề và đưa ra tòa quốc tế thì đó là lúc Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố pháp lý cho mình để vụ kiện thành công. Những luật sư nhiều kinh nghiệm của UNCLOS sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý.
Ông có thể cho biết, đã có vụ kiện nào tương tự vụ Việt Nam –Trung Quốc và phán quyết của Tòa án quốc tế như thế nào?
Ông Jitendra Sharma: Chúng ta có thể tham khảo những vụ án trước đây để định hướng cho các vụ việc về sau. Nhưng không nhất thiết trước đây có một vụ bị bóp méo, thì giờ chúng ta phải chấp nhận như thế. Mà chúng ta phải chuẩn bị bằng chứng đầy đủ để cãi lý với đối thủ, buộc họ phải thừa nhận quan điểm đúng đắn của Việt Nam. Trong vụ việc của Philippines, chuẩn bị của họ chưa được mạnh mẽ, nên kết quả chưa được thuận lợi lắm. Nhưng trong vụ của Việt Nam, chúng tôi tin rằng, sẽ có những kết quả thành công.
Việt Nam được lợi gì khi đưa vụ việc ra tòa án quốc tế?
Ông Jitendra Sharma: Video mà chúng ta xem đã cho thấy rõ thái độ hung hăng của Trung Quốc với ngư dân Việt Nam, nhất là lại trên vùng biển Việt Nam. Không gì có thể biện hộ cho sự hung hãn và gây hấn trước của Trung Quốc như vậy. Luật hàng hải không cho phép hành động tấn công tàu bè trên biển, nhất lại là vùng biển Việt Nam. Hành động khoanh vùng của Trung Quốc rồi đưa gần một trăm tàu ra và tấn công tàu cá và tàu chấp pháp của Việt Nam là vi phạm luật pháp. Nếu chiếu theo Công ước Luật biển, họ cũng hoàn toàn sai trái khi có những hành động như vậy.
Đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, dù thế nào thì vẫn có lợi thế cho Việt Nam, đặc biệt là UNCLOS có hơn 100 nước thành viên, nên có tiếng nói quốc tế để mọi người hiểu rằng vấn đề là đúng. Tuyên bố của tòa án quốc tế dựa trên công lý, sẽ tạo niềm tin để quyết tâm đấu tranh đến cùng. Tiếng nói của Tòa án quốc tế sẽ cho thế giới biết đó là lẽ phải, là đạo đức, phù hợp với luật pháp quốc tế, từ đó, sẽ được dư luận quốc tế ủng hộ.
Cảm ơn ông!
Thanh Hằng (ghi)
Nguồn: cand.com.vn
Vkyno (st)