SGTT.VN – Chiều thứ bảy 9.7, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 4 ngày. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài nhận định chuyến thăm này có liên quan đến vấn đề Biển Đông, hay nói cách khác, Biển Đông nằm trong chương trình nghị sự của chuyến thăm.

Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen
Cuộc viếng thăm này diễn ra trong lúc tình hình căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố hầu hết khu vực này là thuộc chủ quyền của họ, bất chấp sự phản đối của các nước Đông Nam Á lẫn các nước có lợi ích liên quan trên tuyến đường hàng hải qua Biển Đông như Mỹ, Nhật, Úc…
Cho dù hãng tin Tân Hoa Xã trong bản tin phát lúc đầu giờ sáng chủ nhật 10.7 nhấn mạnh chuyến thăm này chỉ thuần tuý về mặt quan hệ quân sự giữa hai nước, tuy nhiên Trung Quốc đón tiếp đô đốc Mullen không chỉ có tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, ông Trần Bỉnh Đức, mà theo dự kiến còn có cả phó chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng nhiều quan chức cấp cao khác.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Mullen diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh vừa tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự trên Biển Đông, mới nhất là cuộc tập trận giữa hải quân Mỹ, Nhật và Úc ở phía nam quần đảo Trường Sa, gần Brunei. Trước đó hải quân Mỹ đã tập trận với hải quân Philippines, cũng như cuộc diễn tập hồi đầu tháng 6 với một số nước ASEAN tại Singapore. Những hành động trên chứng tỏ mối quan tâm đặc biệt của Mỹ về vấn đề Biển Đông, khẳng định Mỹ có quyền lợi ở khu vực này.
Hôm thứ sáu 8.6, ông John Kirby, phát ngôn viên của đô đốc Mullen nhấn mạnh rằng cuộc diễn tập hải quân Mỹ, Úc, Nhật là hoạt động bên lề của một cuộc triển lãm quốc phòng quốc tế tại Brunei (BRIDEX2011), nhằm “thực hiện tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế” và cho biết cuộc diễn tập không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.
Các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh cho rằng vấn đề Biển Đông sẽ thống trị chuyến thăm của Đô đốc Mullen
Một số nước có tranh chấp trong khu vực này đã tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ kể từ khi các tàu thuyền quân sự và dân sự của Trung Quốc gia tăng hoạt động quyết liệt hơn về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ trên biển Đông.
Hồi tháng 6.2011, tại diễn đàn Shangri-La ở Singapore, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trong cuộc họp với bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã cảnh báo rằng các cuộc xung đột trên Biển Đông có thể bùng phát trừ khi các quốc gia có tranh chấp về lãnh thổ trên Biển Đông thông qua được một cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã làm Trung Quốc tức giận khi bà tuyên bố rằng Mỹ có “lợi ích quốc gia” tại Biển Đông, và kêu gọi giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua một tiến trình ngoại giao có sự hợp tác của tất cả các bên tranh chấp, điều mà Trung Quốc không muốn.

Tàu khu trục tên lửa USS Preble của hải quân Mỹ, sau khi diễn tập chung với hải quân Úc, Nhật sẽ cùng hai tàu chiến khác của Mỹ đến thăm Đà Nẵng từ 15 - 21.7.2011.
Bài bình luận trên CNN ngày 9.7 kêu gọi ông Mullen trong chuyến thăm Trung Quốc nên giữ vững nguyên tắc tự do hàng hải trên Biển Đông. Bài báo này cho rằng Trung Quốc, qua chuyến thăm của ông Mullen, có thể sẽ nhắc lại rằng Biển Đông không phải là mối quan tâm của Mỹ và ở đó không có vai trò cho Mỹ. Trung Quốc xem các đề xuất của Mỹ về các biện pháp xây dựng lòng tin cũng như nghị quyết gần đây của Thượng viện Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là không có cơ sở.
Trung Quốc cũng có thể yêu cầu Mỹ chấm dứt các hoạt động quân sự, bao gồm trinh sát, hoạt động trên vùng biển và vùng trời Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ (?) và là một phần của Khu kinh tế độc quyền (EEZ). Yêu cầu như vậy, theo CNN, là đi ngược với lợi ích cơ bản của Mỹ và trái với luật pháp quốc tế.
Hoạt động của quân đội Mỹ là rất quan trọng tại những nơi mà Trung Quốc coi là “vùng biển gần” của họ. Tuy rằng mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang tốt đẹp, nhưng lực lượng quân đội Mỹ phải được chuẩn bị cho mỗi tình huống.
Hơn nữa, hành động thu thập tình báo của quân đội Mỹ là một hình thức răn đe. Chỉ thông qua việc tiến hành các hoạt động này, quân đội Mỹ có thể nắm được hoạt động của Trung Quốc khi họ có hành động khác thường.
Nếu Mỹ mất đi quyền của mình để tiến hành các hoạt động quân sự trên Biển Đông hoặc bất cứ nơi nào khác hợp pháp, Mỹ sẽ không bao giờ quay lại được nơi đó.
Theo CNN, đô đốc Mullen nên gửi một thông điệp rõ ràng cho các đối tác Trung Quốc rằng Mỹ hoan nghênh những cải thiện trong quan hệ quân sự giữa hai nước vì nó mang lại lợi ích cho cả hai bên, tuy nhiên Mỹ sẽ không tìm kiếm mối quan hệ này ở mức giá an ninh riêng của mình.
H.S (TỔNG HỢP TỪ CNN, WSJ, AFP, AP)
sgtt.vn